Sáng ngày 10/2/2023, tại lớp Mẫu giáo lớn A1 trường Mầm non Phú Minh đã tổ chức thành công chuyên đề “Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ trong trường mầm non” với hoạt động “ Giao lưu lao động” giữa các anh chị lớp mẫu giáo lớn A1 và các em lớp mẫu giáo bé C1.
Tham gia cố vấn và tổ chức chuyên đề có cô giáo Lê Thị Thanh Lâm - Bí thư chi bộ, hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Khổng Thị Thanh – Phó bí thư chi bộ, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn nhà trường; cô giáo Hoàng thị Thúy Ngần, Cô giáo Nguyễn Thị GThanh Mai phụ trách lớp mẫu giáo lớn A1; cô giáo Đường Thị Hiến Hằng phụ trách lớp mẫu giáo bé C1 trực tiếp tổ chức hoạt động, cùng các con lớp mẫu giáo lớn A1 và mẫu giáo bé C1 tham gia hoạt động rất tích cực và vui vẻ. Tham dự chuyên đề có các giáo viên các tổ chuyên môn trong toàn trường tham dự, học hỏi và rút kinh nghiệm. Sau buổi chuyên đề cô trò đều phấn khởi, có thêm những kiến thức và kỹ năng cần thiết về kỹ năng sống nói chung và kỹ năng giao lưu lao động nói riêng.
Hoạt động “Giao lưu lao động” giữa các khối lớp, phối hợp giữa các lứa tuổi khác nhau, để các anh, chị lớn được hướng dẫn giúp đỡ các em, còn các em được học hỏi anh chị, từ đó trẻ được tăng thêm hứng thú, tạo niềm vui trong lao động, qua đó tất cả các trẻ đều được phát triển toàn diện nhiều mặt từ tình cảm đến các kỹ năng xã hội, giao tiếp, ngôn ngữ cũng được phát triển một cách tự nhiên và hiệu quả.
Bé lau đồ chơi góc và giá đồ chơi
Bé sử dụng máy hút bụi
Giáo dục lao động là một bộ phận quan trọng của giáo dục phát triển toàn diện, nhằm hình thành ở trẻ những phẩm chất của người lao động: yêu lao động, quý trọng người lao động, giúp trẻ nắm được các kỹ năng lao động đơn giản phục vụ cho sinh hoạt và chuẩn bị sau này cho trẻ tham gia vào đời sống lao động. Giáo dục lao động có ý nghĩa quan trọng đối với các mặt giáo dục khác và có quan hệ mật thiết với chúng, giúp cho quá trình giáo dục nhân cách của trẻ phát triển toàn diện.
Qua chuyên đề này, chúng tôi còn rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình tổ chức hoạt động lao động cho trẻ.
Trước tiên là cần phối kết hợp giữa giáo dục ở nhà trường và giáo dục trong gia đình trẻ về lao động. Giáo dục lao động đối với trẻ mầm non không chỉ là nhiệm vụ của các cô giáo trong trường mầm non mà đồng thời phải từ chính gia đình trẻ. Để con hứng thú với lao động thì ở trong gia đình, các thành viên trong gia đình cũng phải là tấm gương chuẩn mực và là người truyền tình yêu lao động cho con trẻ. Hãy tạo cơ hội để trẻ thực hiện những công việc vừa sức đối với trẻ, cha mẹ sẽ thấy con thực hiện nhiệt tình, hứng thú như chơi trò chơi. Khi trẻ ở trường mầm non các cô giáo hướng dẫn, tạo cơ hội cho trẻ làm quen với các kỹ năng lao động thì khi về nhà bố mẹ và các thành viên trong gia đình sẽ là người tạo nhiều cơ hội để trẻ được thực hành thường xuyên để trẻ tạo thành thói quen biết lao động và yêu thích lao động, đặc biệt là thích chia sẻ, giúp đỡ mọi người những việc vừa sức. Hơn nữa, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau lao động để trẻ được cảm nhận hình thành được thói quen cùng chia sẻ các nhiệm vụ lao động.
Trong quá trình dạy các kĩ năng lao động, giáo viên hình thành ở trẻ nguyện vọng tự thực hiện các thao tác vừa sức trẻ, chỉ cần đến sự giúp đỡ của người khác khi thật cần thiết. Cần hình thành cho trẻ niềm tin vào sức mình, niềm vui đối với kết quả lao động, động viên mọi ý định thể hiện tính độc lập của trẻ. Lao động phải mang đến niềm vui cho trẻ. Từ đó hình thành lòng yêu lao động.
Để hình thành được thói quen lao động, chúng ta nên thực hiện mọi nơi mọi lúc, phối hợp trong nhiều hoạt động. Trong các giờ học như hoạt động ngoài trời, hoạt động góc, hoạt động học, hoạt động chiều… ngoài việc tổ chức cho trẻ thu dọn dụng cụ học tập, lau dọn đồ dùng đồ chơi trong các góc chơi, các cô còn tổ chức cho trẻ nhặt rác, nhổ cỏ ở vườn hoa, tưới cây, lau lá... Cô luôn tạo cơ hội cho trẻ tự lựa chọn và giải quyết những công việc trẻ thích. Qua hoạt động lao động tạo cho trẻ sự nhanh nhẹn và thích ứng với môi trường tự nhiên đồng thời trẻ tự tin, mạnh dạn hơn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, rèn kĩ năng lao động tự phục vụ cho trẻ ở trường mầm non là việc làm hết sức quan trọng vì lao động phục vụ bản thân là một trong những kỹ năng quan trọng thúc đẩy trẻ hoàn thiện mình một cách tốt nhất, nó sẽ giúp cho trẻ hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức và tính tự lập sau này.
Nên tổ chức cho trẻ giao lưu giữa các lớp, các khối để có tinh thần cổ vũ, thi đua, chia sẻ, giúp đơ, học hỏi. Hình thành cho trẻ thói quen làm tốt một công việc trong một khoảng thời gian nhất định. Hãy động viên để trẻ hoàn thành công việc tới bước cuối cùng, hãy hướng dẫn chứ không làm thay mỗi khi trẻ gặp khúc mắc không tự giải quyết được và hãy kết thúc bằng một phần thưởng xứng đáng với những cố gắng của trẻ, hãy nói với trẻ những cố gắng đó có ý nghĩa như thế nào. Nên tạo cho trẻ niềm thích thú, say mê khi lao động. Trẻ sẽ cảm thấy hào hứng khi công việc có phần đóng góp tích cực của bản thân và có trách nhiệm hơn với phần việc đó. Đây sẽ là động lực góp phần hình thành nhân cách con người ở trẻ, tạo nên những phẩm chất tốt đẹp như: Tính kiên trì, biết quý trọng thành quả lao động, biết thông cảm với những người lao động.
Những hình thức tổ chức lao động cho trẻ
- Giao nhiệm vụ: Nhiệm vụ lao động là công việc cụ thể mà trẻ được giao và phải hoàn thành một mình hoặc cùng với các bạn. Giao nhiệm vụ là hình thức tổ chức lao động đơn giản nhất cho trẻ.
Ở trẻ bé: nhiệm vụ có tính chất cá nhân và cụ thể, đơn giản.
Ở trẻ nhỡ: số nhiệm vụ tăng lên đáng kể, rèn luyện kĩ năng trở nên bền vững và làm phong phú thêm kinh nghiệm tham gia lao động của trẻ.
Ở trẻ lớn: các nhiệm vụ cá nhân được đặt ra trong các hình thức lao động mà trẻ chưa có kĩ năng hoặc phải học kĩ năng mới. Đó là hình thức tập thể, theo nhóm buộc trẻ phải có sự tổ chức, phân công với nhau (cùng dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi, các công việc ở vườn trường...).
- Trực nhật: là hình thức lao động đòi hỏi trẻ hoàn thành các nhiệm vụ nhằm phục vụ tập thể. Đây là hình thức phức tạp hơn so với giao nhiệm vụ.
- Tổ chức lao động tập thể: Ở nhóm trẻ lớn có nhiều khả năng tổ chức lao động tập thể cho trẻ (quét dọn phòng học, hành lang, thu hoạch rau quả, trang trí lớp học...) có các hình thức lao động chung và lao động phối hợp.
Giáo dục lao động đối với trẻ mầm non không chỉ là nhiệm vụ của các cô giáo trong trường mà đồng thời phải từ chính gia đình trẻ.Trong thời đại hiên nay, các gia đình cũng bằng cách này cách khác để giáo dục trẻ yêu lao động, nhưng con trẻ vẫn ngại làm việc hoặc chỉ thực hiện các nhiệm vụ một cách miễn cưỡng. Để con hứng thú với lao động thì đầu tiên bố mẹ hãy là tấm gương chuẩn mực và là người truyền tình yêu lao động cho con trẻ. Bên cạnh đó thì việc trẻ ở trường các cô giáo phải tạo cơ hội cho trẻ làm quen với lao động từ những việc đơn giản từ những hoạt động cá nhân hay tính lao động tập thể để trẻ có thói quen biết lao động và yêu lao động.
Bé quét và dọn rác góc thiên nhiên
Bé lau đồ chơi góc và giá đồ chơi
Qua hoạt động lao động, giáo dục trẻ giá trị của lao động giúp trẻ có tính tự lập, không lười biếng, không ỷ lại vào người khác và có thể thích ứng với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Dạy cho trẻ biết lao động, biết yêu thương, trẻ sẽ học được cách làm chủ cuộc đời với đôi bàn tay của chính mình, trẻ sẽ nhận ra rằng nỗ lực của chúng chính là sự cống hiến cho những điều còn lớn lao hơn thế trong tương lai.